Nhiều doanh nghiệp rút lui

"Hồi lúc làm lại, mấy hẻm cũng ngập. Nhưng sau Nhà nước cũng làm, giờ hết ngập rồi, giờ sướng rồi. Khu lấn chiếm trước đây phức tạp lắm. Giờ chỉ cần ở đây sạch sẽ không còn muỗi mòng thôi, để cho người dân đỡ-- bà Nguyễn Ngọc Hai nói.

Tâm sự của bà Nguyễn Ngọc Hai ngụ ở phường 10, Quận 8 cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người dân đã gắn bó hàng chục năm nay ở đôi bờ rạch Ụ Cây. Đây từng là khu vực ô nhiễm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự, nhưng từ khi nhà ven rạch Ụ Cây được di dời, đời sống người dân tốt hơn, nạn cờ bạc, đá gà cũng giảm hẳn, đường xá đi lại thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Ao Song Tân (Quận 7) là một trong 3 đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch được Quận ủy Quận 7 đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Song đến nay vẫn chưa thể triển khai. (Ảnh: Xuân Ngà)

Hầu hết các kênh rạch thuộc diện giải toả, di dời nhà dân để chỉnh trang đô thị, đều trong tình trạng ô nhiễm, nhếch nhác rác thải rất mất mỹ quan. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Rạch Ụ Cây là dự án chỉnh trang đô thị đầu tiên được TP.HCM thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Với chủ trương, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để chỉnh trang đô thị, TP.HCM đã chọn doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO) làm “lá cờ đầu”.

Trong giai đoạn 1, từ cuối năm 2009 đến năm 2011, RESCO đã đầu tư 700 tỷ đồng, giải tỏa hơn 920 hộ dân sống trên và ven rạch, đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng. Nhưng đến giai đoạn hai của dự án, doanh nghiệp xin dừng vì năng lực tài chính không đủ đảm bảo, bởi mức bồi thường rất lớn, dự kiến hơn 2.600 tỷ đồng.

Vướng quy hoạch, nhiều hộ dân sống ven ao Song Tân (Quận 7) cho biết không thể sửa chữa nhà dù đã xuống cấp. Họ mong muốn sớm được di dời để ổn định cuộc sống. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn không phải là doanh nghiệp duy nhất tham gia chủ trương xã hội hóa việc xóa nhà ven kênh rạch ở TP.HCM. Năm 2016, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đăng ký thực hiện di dời, cải tạo rạch Xuyên Tâm. Tiếp đó, Công ty TNHH Đầu tư Sato cũng lập đề xuất dự án cải tạo rạch Văn Thánh. Dự án bờ Nam kênh Đôi, TP.HCM cũng cho phép Tập đoàn VinGroup nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000... Tuy nhiên, đến nay rất nhiều doanh nghiệp đã “bỏ của chạy lấy người”.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực cải tạo kênh rạch, TP.HCM cũng kêu gọi cả nguồn lực từ nước ngoài, bản thân Sở Xây dựng TP.HCM cũng từng làm việc, giới thiệu dự án với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế như: JICA, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… nhưng đến nay tất cả chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu thông tin.

Nghị quyết 98 cũng khó khai thông nguồn vốn xã hội hóa!

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, điểm tắc nghẽn trong huy động nguồn lực xã hội trong tham gia các dự án cải tạo kênh rạch là do pháp luật không còn quy định về hình thức hợp đồng BT, nên nhà đầu tư không được thanh toán bằng quỹ đất mà chỉ có thể khai thác, đầu tư kinh doanh trên chính phần diện tích đất đã bồi thường nhưng lại không có giá trị thương mại cao, nên rất khó khăn trong kêu gọi đầu tư.

Một đoạn Rạch Ụ Cây (Quận 8) được cải tạo, chỉnh trang. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm cho rằng, ngoài thiếu cơ chế, chính sách, thì vấn đề lớn nhất để xã hội hóa nguồn vốn xử lý kênh rạch là bài toán về quy hoạch do các khu vực dọc các tuyến kênh rạch thường có chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hệ số sử dụng đất thấp nên chỉ có thể xây dựng được các công trình thấp tầng, rất khó để thu hút nhà đầu tư quan tâm.

"Kênh rạch của TP.HCM có chỗ nào cho phép xây dựng nhà cao tầng, xây dựng nén không để bù vào cho nhà đầu tư đã bỏ tiền vào việc bồi thường. Cho phép về mặt quy hoạch, cho phép xây dựng nhà cao tầng, xây dựng nén để khuyến khích người ta vào. Chúng ta phải có giải pháp về mặt thể chế và pháp lý"- Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm nói.

Dù dòng nước kênh vẫn còn ô nhiễm, nhưng dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân sống tại khu vực trên. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM- Ủy viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM, nguồn vốn ngân sách để xử lý nhà ở ven kênh rạch rất hạn chế, cho nên việc xử lý chậm sẽ càng gây nhiều tốn kém.

Điển hình như dự án rạch Xuyên Tâm, có kế hoạch từ năm 2002 với mức vốn đầu tư là 123 tỷ đồng, nhưng đến nay để giải quyết dự án này vào năm 2028, TP.HCM cần 9.660 tỷ đồng. Để xử lý được vấn đề về nhà ở ven kênh rạch, ông Thắng cho rằng, TP.HCM phải phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành chứ không phải của mỗi ngành xây dựng.

Về cơ chế chính sách, theo ông Trần Quang Thắng, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được xem là một giải pháp để giúp đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt trong huy động vốn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân bị di dời, xây dựng nhà ở xã hội… Tuy nhiên, Nghị quyết 98 vẫn chưa khơi thông được về vốn.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM- Ủy viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM (Ảnh: H.K)

Ông Trần Quang Thắng nói: "Mặc dù không gian đã thoáng, nhưng cách huy động đòi hỏi nhiều kỹ năng và tìm được điểm chung giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tất cả phải có sự hợp tác để phát triển. Vì chúng ta biết, những dự án di dời nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị thường lợi nhuận không cao. Mà lợi nhuận không cao khó hấp dẫn nhà đầu tư. Như vậy, chúng ta phải có hệ thống đòn bẩy phù hợp bằng cách, khi doanh nghiệp tham gia những dự án này thì có thể được một điểm cộng, để sau này, doanh nghiệp làm dự án về thương mại dịch vụ sẽ được ưu tiên".

Huy động nguồn lực xã hội của các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch cũng là “điểm nghẽn” chung trong huy động nguồn lực doanh nghiệp để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị ở TP.HCM. Ngoài Nghị quyết 98 với những cơ chế thông thoáng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch chung của TP.HCM cần phải tính được phương án làm sao để huy động tốt nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên gồm: Doanh nghiệp, Nhà nước và người dân.